Nên Dùng Trống Trận Quang Trung, Múa Long Hay Múa Lân Cho Những Ngày Lễ Hội Việt?


https://vietbao.com/p112a243503/nen-dung-trong-tran-quang-trung-mua-long-hay-mua-lan-cho-nhung-ngay-le-hoi-viet

Nên Dùng Trống Trận Quang Trung, Múa Long Hay Múa Lân Cho Những Ngày Lễ Hội Việt?

29/09/201500:00:00
Qua quá trình một ngàn năm xâm chiếm nước Việt trước kia, giặc Tàu đã dùng mọi phương cách để hủy diệt nền văn hóa nước ta từ ngôn ngữ cho đến các nghi lễ, tập tục hầu đạt được mục đích chính là đồng hóa và làm mất đi cội nguồn văn hóa dân tộc Việt để dễ bề thống trị. Nhưng trước sức quật khởi kiên cường cùng với sự sáng tạo của cha ông ta, chúng đã thất bại thảm hại từ mặt trận này sang mặt trận khác để cuối cùng phải rút hết tàn quân ra khỏi đất Việt trong sự nhục nhã và thèm khát. Âm mưu bá quyền và thâm độc đó vẫn còn tồn tại mãi cho đến hôm nay.

Dưới sự đô hộ và áp đặt của giặc Tàu, văn hóa Việt không ít thì nhiều đã bị chi phối và ảnh hưởng rất lớn trong các lễ nghi và tập tục. Khi được hỏi đến chung chung về vấn đề này thì đã có một số ít người cho rằng: “ Văn hóa Tàu đã hòa nhập và trở thành một phần văn hóa của dân tộc Việt trong suốt bao trăm năm qua, thôi thì mình cũng nên chấp nhận như vậy”. Thật đáng buồn biết bao! Bởi tính bao dung và trong sự vô tình một số ít trong số chúng ta đã từ “chấp nhận” đi đến “thụ động” rồi “cam tâm”…

Có bao giờ trong một khoảnh khắc, chúng ta đã tự hỏi mình: “Đã thoát khỏi ách đô hộ ngàn năm của Tàu sao chúng ta mãi cứ tuân theo những tập tục, lễ lạc của ngoại bang? Bao giờ chúng ta mới có ý thức độc lập, tự chủ hoàn toàn trên lãnh vực văn hóa của dân tộc!”

Dĩ nhiên chúng ta không chống lại tất cả văn hóa của ngoại bang, điều gì hay thì mình cũng nên thu thập sửa đổi chút ít cho thích hợp với sắc thái Việt để giúp cho nền văn hóa chúng ta thêm đa dạng và phong phú. Điều gì có tính cách mê tín hay không thích hợp thì cũng nên gạn lọc và đào thải. Điều quan trọng nhất là làm sao chúng ta có thể duy trì và phát huy văn hóa đặc thù của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Thiết nghĩ một trong những truyền thống văn hóa dân tộc mà chúng ta có thể bắt đầu cho sự thay đổi tại hải ngoại đó là khôi phục lại tiếng “Trống Trận Quang Trung” trong các ngày lễ hội đầu năm. Mừng Xuân trong kỷ niệm chiến thắng quân thù của Quang Trung đại đế để nuôi dưỡng hùng khí của dân Việt trước ngoại xâm.

Nhìn chung về các nghi thức chính khai mạc trong các ngày lễ hội của một số cộng đồng Á đông thì chúng ta thấy có các đoàn trống của người Nhật, người Đại Hàn, múa Lân của người Tàu, còn người Việt chúng ta thì có gì? Hầu hết trong các nghi thức khai mạc lễ hội chúng ta cũng đánh trống múa Lân náo nhiệt y như của người Tàu, không biết cộng đồng ta có hãnh diện về điều này hay không? Dưới con mắt người Tây phương thì đây là văn hóa của Tàu, dầu cho có biện minh trăm nghìn lời cũng phí công!

Nhìn lại các cuộc diễn hành Tết trên đại lộ Bolsa trong một vài năm qua, cộng đồng Nam California dưới sự điều hành của Luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa ít nhất cũng đã mang lại niềm hãnh diện cho cộng đồng qua phần trình diễn của đoàn trống Thiên Ân. Nhìn các cháu trẻ trong những chiếc áo dài truyền thống cùng với nét mặt rạng ngời say mê vung tay theo nhịp trống đã khiến bao người xúc động, và trong số đó chắc cũng có một số ít người rơi lệ trong sự hân hoan, kiêu hãnh. “Phải như vậy, phải như vậy chứ!”, những tiếng nói vang lên tự đáy lòng! Chúc các em, các cháu luôn thăng tiến trong nghệ thuật để góp sức cùng cộng đồng trong lãnh vực duy trì văn hóa Việt.

Trở lại việc thực hiện “Trống Trận Quang Trung” hay “Trống Trận Tây Sơn”, thiết nghĩ tại hải ngoại chúng ta đã có biết bao lão sư, võ sư của các môn phái cổ truyền, Tây Sơn Bình Định cùng các bậc trưởng thượng, các nhà văn hóa, các bậc học giả không lẽ chúng ta không thể cùng nhau thực hiện được điều này hay sao?

Xin hãy sớm chung vai góp sức giúp đở cộng đồng đừng để những kiến thức quí giá mai một theo thời gian. Sẽ đáng tiếc và đáng trách vô cùng!

Nếu như đã có trống trận Quang Trung rồi, chúng ta có thể phối hợp cùng với những bài võ cổ truyền của dân tộc để tạo nên một bầu không khí linh động hùng tráng trong ngày lễ hội.

Kế đến nếu như cần có một linh thú để hòa hợp cùng tiếng trống thì đó là “Long” (nên chọn Rồng vàng). Linh thú này có lẽ thích hợp nhất với văn hóa truyền thuyết Việt và sẽ không một ai có thể phủ nhận được điều này vì chúng ta là con Rồng cháu Tiên. Và thêm một chứng minh quan trọng nữa là mảnh đất Việt Nam chúng ta có hình dạng chữ “S” cũng là biểu tượng của một “địa long” trong phong thủy.

Vạn sự khởi đầu nan, nhưng nếu không có sự bắt đầu thì sẽ vĩnh viễn không bao giờ có được sự thành tựu.

Xin hãy chung vai góp sức gìn giữ và phát triển văn hóa Việt cho thế hệ mai sau.

Phương Chính Nguyễn Quang Đạt

www.duongsinhthucphap.org



Comments