Source: email HO KINH
NIÊN
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức Chúng ta tiếp tục bàn về cái ho Các bài trước, chúng ta đã tìm hiểu những trường hợp ho cấp tính (acute cough, dưới 3 tuần lễ) và bán cấp tính (subacute cough, từ 3 đến 8 tuần lễ), thường do cảm hay cúm. Bài kỳ này, chúng ta tìm hiểu những cái ho lâu hơn 8 tuần, được gọi là ho kinh niên (chronic cough). Ho kinh niên xảy ra nhiều lắm. Ngay cả với người không hút thuốc, tính ra gần như cứ 4 người, lại có 1 người ho kinh niên. Trong đường thở của ta, từ mũi vào đến phổi, có những điểm đặc biệt gọi là điểm tiếp nhận gây ho (cough receptors). Ngoài ra, những điểm tiếp nhận gây ho còn hiện diện cả tại màng bao tim (pericardium), hoành cách mạc (diaphragm), thực quản, bao tử. Ho kinh niên gây do những yếu tố kích thích các điểm tiếp nhận gây ho này hoặc khiến chúng nhạy ứng hơn bình thường, nên chúng làm ta ho. Những nguyên nhân gây ho kinh niên, kể ra hết thì nhiêu khê lắm. Nhưng 3 nguyên nhân sau hay gây ho nhất, là thủ phạm trong 90% các trường hợp ho kinh niên: nước sau mũi chảy xuống cổ họng (postnasal drip), suyễn (asthma), bệnh dội ngược bao tử-thực quản (gastro-esophageal reflux disease). Nước sau mũi chảy xuống họng Nước phía sau mũi chảy xuống cổ họng (postnasal drip) gây do các bệnh viêm mũi: viêm mũi do dị ứng (allergic rhinitis), viêm mũi quanh năm không do dị ứng (perennial nonallergic rhinitis), viêm mũi sau khi nhiễm cảm, cúm (postinfectious rhinitis), viêm mũi do một yếu tố kích thích trong môi trường quanh ta (environmental irritant and vasomotor rhinitis); hoặc viêm các xoang quanh mũi (sinusitis). Nước sau mũi chảy xuống cổ họng là nguyên nhân gây ho nhiều nhất trong những trường hợp ho kinh niên, chúng ta luôn nên nghĩ đến nó trước. Có lẽ nước mũi khi xuống đến cổ họng, hay kích thích các điểm tiếp nhận gây ho hiện diện ở cổ họng và thanh quản (larynx). Định bệnh thường dựa vào lời kể của bạn. Bạn than cứ thấy khó chịu ở cổ nên thường xuyên phải hắng giọng, nuốt xuống. Bạn sổ mũi và cảm thấy có nước phía đằng sau mũi chảy xuống cổ họng thực. Ngược lại, nhiều vị có nước mũi ở sau mũi chảy xuống cổ họng lại không cảm thấy gì cả, chỉ ho. Chữa trị thành công chứng nước sau mũi chảy xuống cổ họng do các bệnh viêm mũi, hoặc viêm xoang quanh mũi, ho sẽ thuyên giảm. Nếu chỉ viêm mũi thôi, ta không cần đến trụ sinh, chữa với những thuốc trị viêm mũi (thuốc uống tổng hợp trị cả chảy lẫn nghẹt mũi; thuốc xịt ipratropium; thuốc xịt chứa chất steroids), nhưng nếu bạn viêm xoang, ta sẽ dùng thêm trụ sinh để chữa. Suyễn Suyễn đứng hàng thứ nhì gây ho kinh niên ở người lớn (ở trẻ con, nó đứng hàng thứ nhất). Suyễn hay trở lại những lúc ta nhiễm cảm, cúm, và vào mùa lạnh. Nhiều người bệnh suyễn không lên những cơn suyễn với các triệu chứng điển hình ho, khò khè, khó thở, song cứ ho lai rai nhiều tháng, năm. Người ho hoài, ho mãi, nếu không tìm thấy nguyên nhân nào rõ rệt có thể giải thích cái ho, thường là ho do suyễn. Một phần ba (1/3) những người ho kinh niên do suyễn sau rồi cũng sẽ khò khè, khó thở. Cách tốt nhất để xác định cái ho của bạn quả do suyễn là thử dùng thuốc chữa suyễn. Bác sĩ thử trị bạn với thuốc hít làm dãn ống phổi và/hoặc thuốc hít chứa chất steroids từ 2 đến 4 tuần. Nếu thấy cần, bác sĩ cho bạn uống thêm thuốc steroid prednisone trong 1-2 tuần đầu. Ho lui bước, thì đúng bạn có suyễn thực rồi. Song bạn nên kiên tâm dùng thuốc chữa suyễn ít nhất 2 tuần lễ, không nên bỏ thuốc sớm, thuốc chưa kịp tác dụng mạnh. Bệnh dội ngược bao tử-thực quản Bệnh dội ngược bao tử-thực quản (gastro-esophageal reflux disease) xảy ra nhiều lắm, thủ phạm đứng hàng thứ ba gây ho kinh niên. Thức ăn sau khi được nhai nát trong miệng, vào cổ họng, rồi xuống một ống dẫn gọi là thực quản (esophagus) khi ta nuốt. Thực quản dẫn thức ăn xuống bao tử (stomach). Nơi chỗ tiếp nối giữa thực quản và bao tử, có một bắp thịt nhỏ, hoạt động như một van đóng lại mở ra. Khi thức ăn đang từ thực quản xuống dần bao tử, bắp thịt này mở lỏng ra để thức ăn đi xuống. Khi thức ăn đã xuống hẳn bao tử, bắp thịt này khép kín để thức ăn không đi ngược lên lại thực quản. Nếu vì một lý do nào đó, có sự dội ngược các chất trong bao tử lên lại thực quản, hay cao hơn nữa, lên đến cổ họng, ta sẽ có triệu chứng của bệnh dội ngược bao tử-thực quản. Triệu chứng bệnh rất đa dạng. Triệu chứng hay xảy ra nhất là nóng ngực sau khi ăn (tiếng Mỹ nôm na là heartburn, nóng tim; trong Việt ngữ, ta dùng chữ “nóng ngực” chính xác hơn). Các triệu chứng điển hình khác của bệnh: ợ hơi, ợ chua, có khi ợ cả thức ăn lên miệng, khó nuốt thức ăn. Bệnh dội ngược bao tử-thực quản cũng có thể cho những triệu chứng khác như đau, khó chịu cổ họng kinh niên, khan tiếng. Nhiều người bệnh dội ngược bao tử-thực quản, lại không có triệu chứng gì khác, ngoài cứ ho mãi, ho hoài. Để xác định có đúng là bệnh dội ngược bao tử-thực quản gây ho hay không, ta có thể chụp phim thực quản và bao tử (barium swallow), hoặc theo dõi nồng độ chất acid trong thực quản bằng phương pháp gọi là “prolonged esophageal pH monitoring” (vì trong những chất từ bao tử dội lên lại thực quản, có chất acid, nên khi theo dõi như vậy, thấy lúc nào nồng độ chất acid lên cao trong thực quản, cũng vào lúc ấy bạn ho, thế là đúng bệnh rồi). Về mặt chữa trị, các thuốc làm bao tử bớt tiết chất acid như Tagamet, Zantac, Pepcid, Prilosec, Prevacid, ... có thể cho kết quả tốt, làm giảm ho, nhưng cần được phối hợp với những phương pháp không dùng thuốc sau: - Cần xuống cân, nếu béo mập. - Nên nằm ngủ với đầu và ngực cao hơn bụng, bằng cách kê đầu giường cao lên 6-8 inches (chèn gỗ, vật cứng dưới đầu giường). - Bỏ hút thuốc lá. - Tránh ăn thức mỡ màng, vì thức ăn nhiều mỡ ở trong bao tử lâu hơn (nhiều tiệc tùng sao không giữ cho nhau, cho ăn toàn thức mỡ!) - Tránh dùng cà-phê, rượu, chocolate, nước cam, chất mint. Cũng nên tránh uống nhiều nước trong lúc ăn, và ngoài ba bữa chính trong ngày, tránh vui miệng ăn thêm lắt nhắt. - Ăn xong, trong vòng 2-3 tiếng không nên đi nằm, nhưng nên đi bộ chậm rãi 15-20 phút, để thức ăn trong bao tử mau xuống ruột non theo luật trọng lượng. Các nguyên nhân khác Ngoài ba nguyên nhân nước sau mũi chảy xuống họng, suyễn, bệnh dội ngược bao tử-thực quản hay gây ho kinh niên, những nguyên nhân dễ hiểu sau cũng có thể gây ho kinh niên: - Ho do thuốc chữa cao áp-huyết loại “ACE inhibitors”: Thuốc chữa cao áp-huyết loại ACE inhibitors (benazepril, lisinopril, enalapril,) có thể gây ho cho 15% số người dùng thuốc. Phụ nữ dùng thuốc dễ ho hơn đàn ông, và ho có vẻ xảy ra nhiều hơn cho người có giòng dõi Tàu. Nếu tác dụng phụ này xảy ra, người dùng thuốc sẽ ho khô (không có đàm) sau 1 tuần dùng thuốc, nhưng cũng có khi đến 6 tháng sau mới bắt đầu ho. Cổ cứ ngứa, nhột nhột khiến ta ho khan (dry cough). Chúng ta thử ngưng thuốc hoặc đổi sang thuốc khác, trong vòng vài ngày đến 4 tuần, nếu cái ho của bạn đi hẳn, thì đích thị là thuốc gây ho. - Viêm ống phổi kinh niên: Thường viêm ống phổi kinh niên (chronic bronchitis) gây do hút thuốc lá. Sự chữa trị chính là ngưng thuốc lá, ho sẽ thuyên giảm trong vòng 3-4 tuần lễ sau khi ngưng thuốc lá. - Ho do bệnh ống phổi phình nở (bronchiectasis): Nhiều người bị sưng phổi đi sưng phổi lại, khiến các ống phổi tổn thương và phình nở. Người bệnh ho kinh niên và hay khạc đàm. Chụp phim ngực (chest X-ray) thường không thấy gì lạ. Có khi phải dùng máy Cat scan (high-resolution Cat scan) để chụp, mới khám phá thấy các chỗ ống phổi phình nở. Người viết đoán bạn sẽ thắc mắc: thế còn lao phổi hay ung thư phổi, chúng không gây ho sao? Có chứ. Nhưng ngoài cái ho, chúng cũng hay gây những triệu chứng bất thường khác như mệt mỏi, nóng lạnh, ăn không ngon, xuống cân, khạc ra máu, ... Phim ngực cho thấy lao hay ung thư phổi dễ dàng. Rất hiếm khi ung thư phổi chỉ làm ho kinh niên, chẳng có triệu chứng gì khác, phim ngực chụp ra cũng bình thường nốt. Vì thế, soi ống phổi (bronchoscopy) chỉ cần thiết trong một số rất ít các trường hợp, sau khi bác sĩ đã hỏi bệnh và thăm khám kỹ lưỡng, đã chụp các phim cần thiết, đã thi thố hết khả năng chữa trị, người bệnh ho vẫn hoàn ho, và bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ho. Lúc ấy ta sẽ nhờ đến dụng cụ soi và bàn tay của bác sĩ chuyên môn về phổi (pulmonologist) để soi ống phổi. Kể bệnh Trên đường truy lùng nguyên nhân gây chứng ho kinh niên của bạn, bác sĩ nhờ đến bạn nhiều lắm, vì đến 70% các trường hợp ho, bác sĩ định bệnh được ngay nhờ người bệnh kể bệnh có duyên. Khi kể cho bác sĩ nghe về chứng ho của mình, bạn nên chú trọng các điểm sau: - Bạn ho đã bao lâu? Trong vòng 7-8 tuần trước, bạn có bị cảm hoặc cúm không (nóng lạnh, nhức đầu, sổ mũi, nghẹt mũi, đau cổ họng, rồi bắt đầu ho)? Bạn còn nhớ, sau một cơn cảm, cúm, có khi ta ho lai rai đến 8 tuần lễ hay hơn. - Bạn có bệnh viêm mũi, và thường xuyên thấy như có nước mũi chảy xuống cổ họng không? Bạn thấy cứ phải hắng giọng, nuốt xuống, hoặc chảy nước mũi đặc? - Thường ho xảy ra trong trường hợp nào: ngày hay đêm, khi bạn tiếp xúc với khí lạnh, với chất gì đặc biệt tại sở làm, ...? Có bao giờ bạn khò khè, khó thở? Trước bạn đã từng bị suyễn? - Bạn có hay ho, nóng ngực, ợ chua sau khi ăn hoặc về đêm? - Bạn ho khan hay ho có đàm? Bạn có hút thuốc lá? - Bạn có thường mệt mỏi, nóng lạnh, ăn không ngon, xuống cân, khạc ra máu? - Hiện tại, bạn đang dùng các thuốc gì? Có đang uống thuốc cao áp huyết? (Lúc nào đi khám bệnh, bạn cũng nên đem theo tất cả các thuốc đang dùng cho bác sĩ xem.) - Bạn đã được chữa trị từ trước đến giờ như thế nào, với những thuốc gì, và kết quả ra sao? Thuốc ho chỉ để giảm ho trong vòng vài tiếng, không trị tuyệt gốc chứng ho. Thuốc ho cũng chẳng khác nhau mấy, đổi hết thuốc ho này sang thuốc ho khác không phải là mục đích của sự chữa trị (nhất là khi đang ho dữ do cảm, cúm, chẳng thuốc ho nào giúp nhiều). Trụ sinh không cần thiết, nếu không có dấu chứng sưng phổi (pneumnia), viêm xoang (sinusitis), ho gà (pertussis), cho trụ sinh chỉ để làm vui lòng người bệnh ho lâu thì thực không đúng, gây nhiều vấn đề sau này (chẳng hạn, sau này người bệnh cứ ho chút lại đòi phải có trụ sinh, tạo khó khăn cho sự chữa trị của bác sĩ khác). Chữa ho thành công hay không, phụ thuộc việc ta có tìm ra được nguyên nhân gây ho. Ho vì cảm hay cúm, thường mau chóng hết, tuy có khi lai rai đến 8 tuần hay hơn (nếu vẫn khỏe, không nóng sốt, khó thở, bạn không nên hãi sợ sao ho lâu). Ho kéo dài hơn, cần nỗ lực tìm hiểu. Điều này lại tùy vào sự hiểu biết về các nguyên nhân gây ho của cả bác sĩ lẫn người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Văn Đức |
Y học-Sức khoẻ... >