Táo bón nơi người cao
niên
Bác sĩ Nguyễn-Vĩ-Liệt
tka23
post
Những chức năng xảy ra hàng ngày ở con người như: Ăn
uống, Ngủ, Tiểu tiện, và Đại tiện. Nếu chúng ta không đi đại tiện 3 lần trong
mỗi tuần, chúng ta bị táo bón. Táo bón là một bệnh rất thông thường ở mọi người,
nhất là người cao niên (trên 65 tuổi). Đa số các bác sĩ ít chú ý đến vấn đề này,
nhưng người cao niên lại rất chú ý nhiều.
1/ Thế nào
mới gọi là táo bón và ai thường bị táo bón?
Trước hết, ta phải tìm hiểu về vấn đề tiêu hóa. Vì táo
bón là một bệnh của đường tiêu hóa. Nó liên quan đến vấn đề vận chuyển của hệ
thống tiêu hóa.
Khởi đầu hệ thống tiêu
hóa ở miệng. Khi ăn uống, chúng ta nhai thực phẩm cho đến khi các loại thực phẩm
nhỏ hơn hay bằng 1 ly (millimètre), chúng ta mới nuốt vào. Thực phẩm trong dạ
dày (stomach) được nắn bóp cho nhuyễn trước khi đi xuống hành tá tràng (thập nhị
chỉ tràng - duodenum). Ở dạ dày, thực phẩm được tiêu hóa bởi chất bài tiết của
dạ dày, được gọi là dịch vị. Dịch chứa phần lớn là acid cho nên có vị chua. Sự
di chuyển thực phẩm từ dạ dày xuống hành tá tràng (duodenum) mất 15 phút cho
chất lỏng và 45-90 phút cho thức ăn cứng.
Khi thực phẩm xuống đến hành
tá tràng, chúng được tiêu hóa hơn nữa bởi những chất bài tiết từ lá mía
(pancreas) và mật (bile) tiết ra bởi gan. Khi thực phẩm đi qua tiểu tràng
(duodenum, jejunum & ileum) những chất dinh dưỡng được hấp thụ vào máu. Số
còn lại được đưa đến đại tràng (colon). Thời gian mất từ 40 phút cho đến 3 giờ
(180 phút).
Đại tràng chia làm 3 phần. Bắt đầu từ vùng bụng dưới
bên phải còn gọi là đại tràng đi lên (ascending colon). Phần thứ 2 đi từ ba sườn
bên phải qua đến ba sườn bên trái, vắt ngang qua dạ dày được gọi là đại tràng
ngang (transverse colon). Đoạn thứ 3 đi từ ba sườn bên trái xuống đến bụng dưới
có 3 phần: đại tràng đi xuống (descending colon), đại tràng có hình chử Z
(sigmoid colon), và trực tràng (rectum). Trực tràng nối liền hậu môn (anus).
Thời gian để chất cặn bã đi từ cuối tiểu tràng, qua đại tràng cho đến hậu môn
mất từ 40-60 giờ. Trong thời gian này, chất phế thải lại được đại tràng lấy bớt
một số muối khoáng (minerals) và nước.
Một người ăn uống bình thường có thể đi tiêu từ 3 lần
mỗi ngày cho đến 3 lần mỗi tuần (2 ngày đi tiêu một lần). Cục phân cũng không
cứng và cũng không mềm quá. Khi cục phân bình thường rớt xuống cầu tiêu, nó xoay
trong nước 2 vòng. Khi đi cầu chúng ta không cần phải rặn (straining).
1-Táo bón
xảy ra ở người cao niên nhiều hơn người dưới 65 tuổi.
Người cao niên ở trong bệnh
viện hoặc nhà dưỡng lão (nursing home) bị táo bón nhiều hơn. Táo bón xảy ra ở
những người này đến 60-70%.
·
Táo bón ở người phụ nữ nhiều hơn
nam giới.
·
Táo bón ở người da màu nhiều hơn
da trắng.
·
Táo bón ở những người nghèo nhiều
hơn người giàu.
·
Táo bón ít xảy ra ở những người
có trình độ học thức cao.
Người cao niên thường than
phiền về táo bón một phần là họ chú ý đến vấn đề đi tiêu của họ nhiều hơn người
trẻ. Có những cao niên sống lẻ loi một mình và ít tiếp xúc với những người khác
nên họ có kiến thức về sự tiêu hóa của họ ít hơn.
Nói chung, dù ít tuổi hay
nhiều tuổi, những yếu tố chính ảnh hưởng đến táo bón là:
Thực phẩm
thiếu chất sợi (low fiber diet) nên có ít phân.
Không uống đủ nước: trung bình một người uống 2 lít nước (litres) kể cả nước ngọt, bia rượu, canh…. Khi thiếu nước, phân bị khô nên khó đi cầu. Thiếu hoạt động: khi cơ thể ta vận chuyển như đi bộ, các bắp thịt bụng co thắt và ép phân trong đại tràng chuyển động. Không có thói quen đi tiêu mỗi ngày: khi phân tụ tập trong trực tràng (rectum) gần hậu môn tạo áp lực làm cơ vòng bên trong tự động mở ra và làm cho ta muốn đi tiêu. Nhưng cơ vòng bên ngoài điều khiển bởi não bộ, theo ý muốn của ta. Khi ta ngồi vào bàn cầu, chúng ta mở hậu môn ra (relax), phân mới đi ra ngoài được. Cho nên, ta nên ngồi trên cầu tiêu và mở hậu môn ra khoảng nửa giờ (1/2 hour) mỗi ngày dù không đi tiêu được. 2/ Những
nguyên nhân nào đưa đến táo bón?
Táo bón
đơn thuần: thường không biết rõ nguyên do. Có thể do 4 yếu tố
vừa đề cập trên: ăn thiếu chất sợi, uống không đủ nước, ít hoạt động, và không
có thói quen đi tiêu. Hay mắc đi tiêu mà ráng nhịn thường xảy ra ở phụ nữ nhiều
hơn.
Táo bón do
hệ thống thần kinh trung ương (Central nervous system):
Ở người cao niên, tai biến
mạch máu não xảy ra ở những nơi trên não dùng để điều khiển đại tràng và hậu môn
làm mất đi sự co thắt và dãn nở của các cơ trơn trong đại tràng và cơ vòng
(sphincters) của hậu môn. Ngoài ra sự yếu đuối của bắp thịt bụng và vùng xương
chậu làm sự di chuyển của phân trong đại tràng cũng khó khăn.
Bệnh Parkinson hầu hết xảy ra
ở người cao niên làm cho sự di chuyển thực phẩm trong hệ thống tiêu hóa chậm
chạp đưa đến táo bón. Ngoài ra, thuốc trị bệnh này cũng gây ra táo bón.
Bệnh trầm cảm (suy nhược thần
kinh - depression), bệnh lẩn (dementia & confusion states) làm sự nhận thức
của bệnh nhân kém đi. Nhiều khi họ không biết nhà vệ sinh ở đâu và nín luôn.
Những bệnh này xảy ra ở người cao niên rất nhiều.
Những bệnh ở cột tủy sống ở
lưng có thể làm cho đại tràng bất động. Đó là chấn thương cột sống (spine injury) thường do
bệnh loãng xương (osteosporosis) ở người cao niên bị gãy (fracture), bệnh ung
thư cột sống, thiếu máu đến cột sống do nghẹt mạch máu, và bệnh teo cột sống
(spinal cord stenosis) do bệnh thấp khớp (arthritis) xương mọc nhánh
(osteophytes) hay viêm sưng đè ép vào cột sống. Những bệnh ở cột tủy sống làm
mất thần kinh đối giao cảm (parasympathic) đi đến đại tràng và làm mất những nhu
động (peristalsis) của ruột giúp cho phân di chuyển đến hậu môn.
3- Táo bón
do thuốc men:
Trung bình một người cao niên
uống từ 3-5 loại thuốc khác nhau mỗi ngày. Nhiều loại thuốc làm giảm hay mất đi
chức năng đi tiêu mỗi ngày. Sau đây là những loại thuốc gây ra táo bón:
Các loại thuốc
chống đau (opioids): như codein (Tylenol
#1, 2,3), pethidine, morphine, fentanyl, oxycodone…
Các thuốc chống
acid ở dạ dày (antacids): như calcium và
aluminum compounds: Maalox, Alugel…
Các loại thuốc
chống co thắt ruột (antispasmodics): như
Buscopan, dicyclomin…
Các loại thuốc
chống trầm cãm (antidepressants): như
imipramine, amitriptyline…
Các loại thuốc
chống bệnh tâm thần khác (antipsychotics): như clozapine, chlorpromazine…
Các loại thuốc
trị bệnh Parkinson: Benztropine
Các loại thuốc
trị tiêu chảy: Lomotil, Imodium
Các thuốc trị
bệnh cao áp huyết (antihypertensives):
như Methyldopa, Clonidine, Propranolol, Verapamil, Diltiazem, dihydropyridines
calcium channel blockers (Norvasc, Adalat XL, Renedil, Cardizem…)
Các loại thuốc
trị bệnh kinh phong (kinh giật/ anticonvulsant): Phenytoin, clonazepam…
Các loại thuốc
trị thấp khớp (anti-inflammatory agents): Naprosyn, Voltaren, Indocid, Motrin…
Các loại thuốc
để giãm cân (anoretic agents): thường
các bà uống để cho ốm bớt như clophentermine, phenmerazine,
phenfluramine.
Các khoáng
chất: aluminum, calcium compounds, chất
sắt (iron compounds để trị bệnh thiếu máu do thiếu chất sắt), ngộ độc chì &
arsenic, barium sulfate…
Các loại thuốc
khác: như polystyrens resins,
cholestyramine, thuốc ngừa thai (birth control pill), octreotide…
4- Táo bón do
bệnh đường tiêu hóa:
Hội chứng bất ổn
của ruột: (irritable bowel syndrome) gây
ra tiêu chảy rồi táo bón. Ngoài ra có triệu chứng đau bụng, sình ruột
(bloating), mắc đi tiêu thường xuyên. Đi tiêu và có cãm giác không tiêu hết.
Thường bệnh này không biết rõ nguyên do nhưng các bác sĩ cho rằng nó liên quan
đến yếu tố tâm lý xã hội (psychosocial stressors)
Những bệnh về
hậu môn và trực tràng (anorectal diseases): làm cho đau đớn khi đi tiêu như bệnh trỉ
(hemorrhoids), rách hậu môn (anal fissure)… Thường do rặn quá nhiều khi đi tiêu
làm sưng và rách hậu môn đưa đến táo bón nặng hơn.
Ngoài ra các
bệnh khác như sa hậu môn (lòi dom - rectal prolapse) hoặc loét trực tràng
(rectal ulcer) cũng gây ra táo bón:
Những người phụ nữ từng sanh đẻ do sự thay đổi kích thích tố sinh dục nữ lúc
mang thai, và sự rách, chấn thương lúc đẻ làm các bắp thịt vùng chậu (pelvic
muscles) yếu đi cũng làm đi tiêu khó khăn hơn.
Ung thư đại
tràng (colon cancer): Khi một người
thường bị táo bón và thiếu máu nên đi gặp bác sĩ để xem có bị ung thư đại tràng
hay không? Điều tốt hơn hết, những người trên 65 tuổi nên thử phân có máu hay
không trong những lần khám tổng quát hàng năm. Thử máu trong phân là một thử
nghiệm đơn giản giúp cho bác sĩ tìm ra hầu hết các bệnh ung thư đại
tràng.
Bệnh
Hirschsprung: bệnh có thể xảy ra lúc còn
sơ sanh nhưng cũng có thể xảy ra lúc người bệnh đã trưởng thành. Bệnh có đặc
tính mất các tế bào và hạch thần kinh ở đại tràng.
5- Táo bón
do những bệnh khác:
Như bệnh suy tuyến giáp
(hypothyroidism) và cường tuyến giáp (hyperthyroidism) nhưng bệnh sẽchấm dứt khi
người bệnh chữa bệnh đúng mức.
Bệnh nhiều calcium
(hypercalcemia) hay thiếu calcium trong máu (hypocalcemia) cũng gây ra táo
bón.
Bệnh loạn chuyển hóa
(porphyria0 là một bệnh hiế, cũng gây táo bón
6-Táo bón
đưa đến những hậu quả nào ?
Khi táo bón, phân bị khô lại (fecal impaction). Phân
khô cứng có thể đưa đến tắc nghẽn ruột (bowel obstruction). Khi bị táo bón, đại
tràng phản ứng lại bằng cách tiết ra nhiều chất nhờn và nước làm bệnh nhân bị
tiêu chảy. Chính tiêu chảy này làm người ta uống thuốc trị tiêu chảy làm bệnh
này càng thêm trầm trọng. Đặc tính của tiêu chảy gây ra bởi táo bón (spurious
diarrhea) là phân có cục và có lỏng. Bệnh chia ra làm 2 giai đoạn: táo bón rồi
đến tiêu chảy. Sau tiêu chảy lại táo bón.
Ngoài ra táo bón còn gây ra
bí tiểu (urinary retention) do sự dãn nở của đại tràng và bắp thịt ở vùng xương
chậu. Cục phân cứng có thể đè lên cổ bọng đái (bladder outlet) làm bí tiểu rất
khó chịu.
Táo bón gây ra đau bụng, nóng
sốt, nhiễm trùng, nhiễm độc phình đại tràng (toxic megacolon) và xoắn đại tràng
hình chữ Z (sigmoid colon). Ngoài ra táo bón cũng làm cho rách và lở trực tràng
& hậu môn như đã đề cập trước đây. Táo bón có thể làm thủng ruột. Khi rặn
nhiều quá, bệnh nhân có thể bị nhồi máu cơ tim (myocardial infarction).
7- Làm thế
nào để điều trị và ngừa táo bón ?
Câu trả lời đơn giản nhưng cũng rất phức tạp, đó là
gặp bác sĩ gia đình. Chúng ta phải làm cho bác sĩ gia đình chú ý đến vấn đề này.
Đặc biệt là bác sĩ nào không bị táo bón hay lơ là đến vấn đề này. Thông thường
các bác sĩ cho toa thuốc xổ. Nhưng thuốc xổ hay thuốc nhuận trường có nhiều
loại:
Thuốc làm gia tăng số lượng của phân và
lượng nước trong phân: Như chất psylium
thường dưới dạng bột như Metamucil, Isphagula, Frangula và Sterculia.
Methycellulose cũng được xếp vào nhóm này nhưng ít được dùng làm thuốc xổ. Những
thuốc này gồm những chất không được hấp thụ vào máu và ngược lại chúng giữ nước
trong đại tràng làm gia tăng số lượng phân.
Thuốc làm phân mềm: như Bisacodyl, Docusate sodium làm phân mềm bằng
cách giữ nước lại trong phân không cho tiểu tràng hay đại tràng hút hết đi. Vì
thế, thuốc này được các bác sĩ ưa chuộng nhất vì chúng giúp cho bệnh nhân tránh
rặn khi đi tiêu.
Thuốc làm cho trơn ruột
(Lubricants): như chất paraffin làm cho ruột trơn, phân dễ di
chuyển trong ruột. Biến chứng phụ của thuốc này làm bệnh nhân dễ bị đi tiêu
trong quần, ngứa hậu môn, và làm thức ăn không hấp thụ vào máu. Thường những
chất này được pha trộn với thuốc kích thích đại tràng co thắt (stimulant
laxatives) như phenolphthalein (Agarol). Mọi người nên tránh loại này ngoại trừ
thuốc này được kê toa bởi các bác sĩ chuyên môn về đường tiêu hóa.
Thuốc làm tăng áp lực phân tử trong ruột
(osmotic laxatives): loại thuốc này trở
nên rất phổ biến trong việc điều trị bệnh táo bón kinh niên. Và chúng được coi
như là thuốc chính dùng để trị bệnh táo bón. Chúng là những chất Lactulose,
Sorbitol, mannitol, Glycerol, Polyethylene glycol (Colyte), Magnesium sulphate,
Magnesium phosphates.
Những thuốc này làm tăng
lượng nước trong đại tràng và tăng sự di chuyển của phân trong đại tràng đi lên
từ phía trái của bụng. Thuốc này dùng để trị bệnh táo bón kinh niên (mãn tính) ở
người cao niên rất tốt.
Những thuốc làm kích thích ruột già
(secretagogues): là những loại kích
thích đại tràng co thắt và bài tiết nước như phenolphthalein, bisacodyl, castor
oil, anthraquinone (senna & cascara sagrada). Dùng nhiều loại này gây ra xáo
trộn chất điện giải và không hấp thụ được mỡ và các loại vitamins A, D, E, và K
vào trong máu. Chính vì vậy những người cao niên không nên tự ý xử dụng những
thuốc này mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.
Ngoài ra những người cao niên xử dụng thuốc xổ thường
xuyên đưa đến nhiều biến chứngvề đường ruột. Vì thế trong bài này, tôi trình bày
nhiều về đặc tính của các loại thuốc xổ. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến của bác sĩ
cách xử dụng thuốc và xử dụng trong bao lâu.
8- Cách
ngừa bệnh táo bón:
Như tôi đã trình bày ở phần đầu về các yếu tố ảnh
hưởng đến vấn đề đi tiêu, đó là thực phẩm nhiều chất sợi, uống nhiều nước, thể
dục thể thao, và thói quen đi tiêu mỗi ngày.
Vấn đề ăn: chất sợi là thành phần quan trọng trong thực phẩm để
ngừa táo bón. Chất sợi chứa các chất cellulose, hemicellulose, pectins, lignins,
sáp (waxes) từ thành (walls) của tế bào thực vật. Các chất này không hấp thu vào
máu được. Cái gì ở trong ruột không vào máu sẽ ra "ngả sau". Mỗi ngày, ta phải
ăn ít nhất là 30-35 grams chất sợi. 10 grams chất sợi tương đương với 4 lát bánh
mì nâu (whole grain bread) hay 3 oz lúa mì xay nhuyễn. Đa số chất sợi ta ăn hàng
ngày từ cơm gạo, bột, lúa mì, lúa mạch, rau, và trái cây.
Chất methylcellulose và
psyllium không có trong thực phẩm nhưng ở dưới dạng thuốc cũng tốt cho việc tiêu
hóa. Nếu ta ăn nhiều chất sợi quá thì cũng dễ bị đầy hơi (bloating), xì hơi
(đánh giấm/passing gases) nhiều hơn 15 lần mỗi ngày và tức bụng. Đôi khi làm cho
khó đi tiêu.
Vấn đề uống nước: Trung bình một người phải uống nước (các loại) 1,5
lít mỗi ngày. Nếu là mùa hè hay tập thể dục có đổ mồ hôi phải uống ít nhất là 2
lít mỗi ngày. Ở người cao niên, cảm giác khát nước thường bị mất nên họ uống
nước ít. Cách hay nhất là để 2 lít nước ở nơi chúng ta thường thấy (trên bàn hay
đầu giường) để dễ nhớ mà uống.
Vấn đề thể dục: Không cần phải tập thể dục nhiều để dễ đi tiêu. Chỉ
cần làm động tác thể dục hay đi bộ nửa giờ mỗi ngày là có thể đi tiêu dễ
dàng.
Thói quen đi tiêu: Thường vào buổi sáng vừa thức dậy hay sau mỗi bửa
ăn, tiêu hóa vận chuyển mạnh làm ta muốn đi tiêu. Chúng ta nên đi tiêu đúng giờ
và không cho ai quấy rầy. Không nên trả lời điện thoại khi mắc đi tiêu. Dùng chỉ
một nhà vệ sinh mỗi ngày cũng giúp dễ đi tiêu. Nhà vệ sinh sạch sẽ, không hôi
hám nhiều cũng khuyến khích ta đi tiêu dễ dàng. Không dùng chung nhà vệ sinh với
người lạ hoặc nhiều người trong gia đình cũng giúp bớt táo bón. Đây là lý do tại
sao các nước Âu Mỹ có nhiều nhà vệ sinh trong cùng một căn nhà. Nếu hôm nào
không đi tiêu được cũng đừng bực bội. Càng bực bội
càng táo bón
.
Nói tóm lại, những người cao niên khi bị táo bón phải
làm những biện pháp phòng ngừa trước. Nếu thất bại, chỉ nên uống những loại
thuốc làm phân mềm như Metamucil hoặc Docusate sodium thôi. Nếu còn thất bại
nữa, đi gặp bác sĩ gia đình. Khi gặp bác sĩ gia đình nên trình bày chi tiết về
bệnh táo bón của mình (nên sắp sẵn trong đầu hoặc ghi trên tờ giấy vì ít có bác
sĩ có kiên nhẫn ngồi nghe những lời dài dòng). Và nhớ lưu ý bác sĩ là chúng ta
đả làm biện pháp phòng ngừa và uống thuốc làm phân mềm rồi. Nếu người bệnh chỉ
nói với bác sĩ là "táo bón", các vị bác sĩ sẽ tự động cho toa thuốc làm phân mềm
và cách phòng ngừa thôi và không tìm hiểu thêm. Nếu vị bác sĩ nào không chú ý
đến nữa, đó là lúc ta đi tìm bác sĩ nào chú ý đến táo bón. Điều quan trọng là
không nên thụt tháo hay rửa ruột bằng nước ấm, nước muối, hoặc nước xà-phòng.
Những phương pháp này làm khó chịu hậu môn và đại tràng. Đôi khi làm ngộ độc
nuớc vì nước hấp thu qua đại tràng rất dễ hoặc làm thủng ruột.
Tôi hy vọng bài này giúp cho các vị cao
niên hưởng 1 trong 4 tứ thú của cuộc đời. Đó là đi tiêu dễ dàng.
Vancouver ngày12, tháng 8, năm
2002.
|
Y học-Sức khoẻ... > TỬ THẦN TRONG RUỘT GIÀ >