Kinh Nghiệm Tập Đạt Ma Dịch Cân Kinh
Huỳnh Bửu Khương
Trong hai ngày 17 và 18 tháng 11/2000 nhật báo Người Việt có đăng loạt bài Đạt Ma Dịch Cân Kinh do BS Lê Quốc Khánh giới thiệu. BS Khánh cho biết ông có những người bạn bị bệnh ung thư gan, lao thận, lao phổi, béo phì, cao huyết áp, rối loạn tiêu hóa kinh niên nhờ tập Dịch Cân Kinh mà khỏi bệnh, riêng bệnh Parkinson tập DCK có thể ngăn chặn giới hạn chỉ run ở hai bàn tay. Và ông đã phải công nhận Đạt Ma Dịch Cân Kinh là một phương pháp chửa trị được nhiều bệnh hiểm nghèo hiện nay Tây y nhiều khi phải bó tay. Tôi là người tập DCK lâu năm và đã thấy kết quả rõ rệt nên rất mừng khi đọc được loạt bài nói trên. Do đó tôi đã viết bài Kinh Nghiệm Tập Đạt Ma Dịch Cân Kinh và đăng trên nhật báo Người Việt ngày 27/3/2001 để góp thêm ý kiến bằng cách nói lên kinh nghiệm bản thân về việc tập DCK hầu giúp độc giả hiểu rõ hơn cách luyện tập và củng cố lòng tin vào phương pháp luyện tập này. Nay tôi xin giới thiệu với quí độc giả bài viết nói trên Vào năm 1974, chúng tôi được anh Nguyễn Kim Tri, thiếu tá ở Võ Phòng Tổng Thống, cho chúng tôi bản phóng ảnh quyển Đạt Ma Dịch Cân Kinh bằng chữ Tàu và khuyên chúng tôi nên luyện tập theo sách ấy, rất tốt cho sức khỏe, vì đây là cách tập luyện của chùa Thiếu Lâm dành cho môn sinh luyện trước khi học võ. Sau đó chúng tôi nhờ người dịch đại ý của quyển sách và tập luyện. Sau 4 tháng tập, mọi người trong phòng chúng tôi (Khối Đặc Biệt, Trung Tâm Phối Hợp Thi Hành Hiệp Định Ba Lê, Phủ Tổng Thống) đều đạt kết quả tốt. Người nào không có bệnh thì đều lên cân, da dẻ hồng hào thấy rõ, người nào có bệnh thì bớt bệnh. Ông Long, thư ký đánh máy, bị huyết áp cao thì sau bốn tháng tập, huyết áp xuống bình thường, mặc dù không có uống thuốc. Lúc ấy ngày nào tôi cũng tập 1200 cái đánh tay (lúc mới tập khởi sự 200 cái, về sau tăng dần).
Sau tháng 4 năm 1975, suốt thời gian ở trong các trại cải tạo từ miền Nam ra tới miền Bắc, ngày nào tôi cũng tập Dịch Cân Kinh (DCK) một lần, và vẫn giử mức 1200 cái đánh tay. Nhờ vậy mà mặc dù ăn đói và rất ốm yếu tôi vẫn có thể chịu được và ít bị bệnh. Anh em nói vì tôi là "quan văn" trong nghề võ (luật sư Tòa Thượng Thẩm Sàigòn, thiếu tá) nên không có sức chịu đựng bằng các anh em khác, phần đông là tiểu đoàn trưởng tác chiến, quận trưởng, hạm trưởng Hải Quân, cấp chị huy Biệt kích Dù, An ninh Quân đội, Lực Lượng Đặc Biệt, v.v.... Hồi mới ra Hoàng Liên Sơn ở huyện Văn Chấn, thuộc tỉnh Nghĩa Lộ cũ, vào tháng 7 năm 1976, , mỗi lần đi lấy gạo, tôi cùng một anh nữa khiêng lối 20, 25 kí, đi lối 7, 8 cây số đường rừng. Khi về gần tới trại có đèo 19 tháng 5 rất cao, thường tôi phải yêu cầu anh cùng khiêng với tôi ngồi nghỉ một chút rồi mới mới đi tiếp nổi. Sau đó tôi có nói với Thầy Thuần, một đại đức, thiếu tá Tuyên úy Phật giáo, người ở cùng một láng và cùng tập DCK với tôi mỗi ngày, về việc tôi qua không nổi đèo 19 tháng 5. Thầy nói: "Bác cứ tập lên 2000 cái cho tôi, bác sẽ qua nổi đèo ấy." Nghe lời Thầy Thuần, tôi tập lên 2200 cái đánh tay mỗi ngày. Và lối nửa tháng sau, khi đi lấy gạo, tôi được giao phải vác một mình 20 kí (vì họ cho rằng chúng tôi ra Bắc một thời gian rồi, phải vác nổi 20 kí đi - 2 -
xa), nặng gấp đôi lần trước, thế mà khi qua đèo 19 tháng 5 tôi qua luôn, không phải ngừng lại để nghỉ như trước. Tôi biết ngay là nhờ tập DCK theo lối Thầy Thuần chỉ nên mới đạt được kết quả ấy, chớ việc ăn uống thì chúng tôi vẫn bị đói dài dài (ở miền Bắc trong ba năm đầu gia đình không được gởi thực phẩm cho chúng tôi). Hồi đó tôi tập nổi 2200 cái đánh tay mỗi lần là nhờ hằng ngày tôi phải leo núi đồi, phải làm việc nặng nên chân mạnh hơn lúc ở Sàigòn. Chân phải mạnh, rắn chắc thì tập mới lâu được vì suốt buổi tập mình phải gồng thật cứng hai chân như người đứng tấn. .... Nhờ tập DCK mỗi ngày nên dù ăn đói nhưng da mặt tôi không xanh mét như một số anh em khác. Tập DCK giúp mình luôn luôn ngủ ngon và không bao giờ bị táo bón; máu huyết được lưu thông mạnh trong thời gian tập, nhờ đó da dẻ chúng ta luôn được hồng hào và bệnh tật tan biến đi.
Sau đây tôi xin nói về cách tập thế nào cho đúng. Khi chúng tôi mới có cuốn Đạt Ma Dịch Cân Kinh, chúng tôi xem hình vẽ trong đó mà tập theo. Sau lối hai tuần tập luyện, chúng tôi thấy không có kết quả gì cả. Do đó chúng tôi phải nhờ người dịch đại ý cuốn sách ấy, và khi tập đúng cách rồi thì kết quả thấy rất rõ.
Tôi xin diễn tả tư thế và việc phải làm của một người tập Dịch Cân Kinh:
1.- Người tập DCK nên đi giày hay dép, không nên đi chân đất. Hai chân dang ra, khoảng cách giửa hai ngón chân cái bằng khoảng cách của hai vai. Hai bàn chân đứng song song với nhau. Mười ngón chân bám chặt xuống giày hay dép.
2.- Gồng cứng (lên gân) bắp chuối và bắp vế của chân, hậu môn nhíu lại và thót lên. Suốt buổi tập hai chân như trồng cây xuống đất, từ thắt lưng trở xuống luôn luôn cứng chắc, không suy suyển. Tóm lại đứng thật vững vàng như người luyện võ đứng tấn. Nếu đã dang hai chân đúng tầm, đã gồng (lên gân) hai chân thật chắc, đã bám mười ngón chân thật chặc xuống dép hoặc giày, hậu môn (đương nhiên) nhíu lại và thót lên rồi thì ta thấy từ thắt lưng trở xuống chân thật là chắc nịch. Và trong suốt buổi tập ta phải luôn chú ý đến phần từ thắt lưng trở xuống và làm đúng như thế. Nếu ta không chú ý đến phần này thì công phu luyện tập sẽ mất gần hết, không mang lại kết quả mong muốn.
3.- Đầu như dây treo (giống như có sợi dây treo mình lên vậy) để cổ được thẳng, mặt ngó về phía trước, nhìn một điểm cao hơn mình một tí để cổ không rùng xuống.
4.- Ở miệng, hai môi chạm nhẹ vào nhau, không mím môi cũng không hở môi. Hai hàm răng chạm nhẹ vào nhau, đầu chót lưởi để trên nướu răng trên (để luồn điện được lưu thông).
- 3 -
5.- Ở mỗi bàn tay, năm ngón luôn dính vào nhau (chớ không phải xòe ra, sách có vẽ hình rất rõ về điểm này). Khi đánh tay, lòng bàn tay luôn hướng về phía sau (tức là mu bàn tay đưa ra phía trước).
Động tác duy nhứt là đánh hai tay từ phía trước ra phía sau. Khi đưa hai tay ra phía trước, hai cánh tay sẽ hợp với thân người thành một góc 30 độ, khi đánh tay ra phía sau, một góc 60 độ. Tóm lại khi đánh tay ra phía sau, phải đánh hết tay. Khi đưa hai tay ra phía trước chỉ là do cái trớn của việc đánh tay ra phía sau còn lại mà thôi, do đó chỉ có 30 độ. Mỗi lần đánh tay từ phía trước ra phía sau thì kể một cái đánh tay. Khi mới bắt đầu tập, nên khởi sự đánh tay 200 cái mỗi lần tập. Nếu muốn mau có kết quả thì tập mỗi ngày hai lần, sáng và chiều. Còn nếu có ý chí hơn nữa thì tập ba lần mỗi ngày (sáng, trưa, chiều) càng tốt. Tập ở ngoài sân hay trong nhà đều được, miễn là ở nơi thoáng khí và yên tĩnh. Không nên tập sau khi ăn cơm no. Khi thấy mệt là nghỉ ngay, không nên tập quá sức, và khi còn có thể tập nữa mà không mệt thì nên tiếp tục tập cho đúng sức mình.
Khi mới tập, khởi sự bằng 200 cái đánh tay mỗi lần tập, về sau khi thấy còn có thể tập thêm thì tăng dần, thí dụ 250, 300, 350, v.v....Hồi tôi mới tập, chỉ một thời gian ngắn sau là tôi lên đến 1200 cái đánh tay cho mỗi lần tập (trong 15 phút). Hồi đó còn trẻ (40 tuổi) nên tôi đánh tay rất nhanh, và mỗi ngày tôi chỉ tập một lần. Sau khi tập xong ta thấy khát nước (nên uống nước ngay), đó là tập đúng sức của mình. Sau khi tập tôi thường đi chậm và giơ chân lên cao, vừa co giản hai cánh tay. Sau đó làm massage và xoa bóp hai bàn chân, các ngón chân (nhứt là ngón nào bị đau). Gần đây đôi khi tôi bị đau ở hai ngón chân út và áp út, tập DCK sẽ hết đau. Nhưng phải tập đến khi mình nghe nó tác động đến mấy ngón chân ấy (lối trên 600 cái sẽ thấy). Hồi năm 1974, có một anh bạn trong phòng tôi, mới khởi sự tập đã lên đến 1000 cái đánh tay thì mặt bị nổi mụt ngay. Nếu tập đúng cách, tôi thấy không có bị phản ứng gì cả, mà càng ngày ta thấy càng khỏe ra. Mình tập được nhiều hay ít là do mình có thể đứng tấn được bao lâu, chứ không phải ai muốn tập bao nhiêu cái đánh tay cũng được. Còn nếu đánh tay để đếm số lần cho được nhiều mà không gồng (lên gân) hai chân cho thật cứng chắc và nhíu hậu môn lại, thót lên thì sẽ không đạt được kết quả mong muốn. Về tốc độ đánh tay thì sách nói "đánh tay nhanh như người đi nhanh đánh đồng xa." Đánh tay càng nhanh thì máu huyết lưu thông càng mạnh trong thời gian ấy, và sẽ cuốn theo mọi bệnh tật. Sách nói muốn tập để trị bệnh thì nên tập từ 2000 đến 3000 cái đánh tay mỗi ngày trong vòng 30 phút.
Và sau đây là hai nguyên tắc quan trọng cần phải áp dụng trong lúc tập:
Thượng Tam Hạ Thất: Nếu trong thời gian tập mình dùng 10 phần sức lực thì từ thắt lưng trở xuống mình dùng 7 phần và phải luôn luôn chú ý đến việc gồng cứng (lên gân) hai chân, nhíu hậu môn lại và thót lên (xin lưu ý quí vị, nếu mình đã gồng cứng hai chân và đứng đúng tầm rồi thì hậu môn tự động nhíu lại và thót lên, không phải lo lắng về điều này). Từ thắt lưng trở lên, mình dùng 3 phần sức lực. Đó gọi là thượng tam hạ thất hay thượng hư hạ thực, trên 3 dưới 7 hay trên hư dưới thực. Trong việc đánh tay cũng thế: Khi đưa tay ra phía sau dùng 7 phần sức lực, đưa tay ra trước chỉ dùng 3 phần.
- 4 -
Trước ba sau bảy hay trước hư sau thực, đánh tay ra phía sau mới là thật cần thiết, và phải đánh cho hết tay (60 độ). Tâm bình khí tịnh: Trong suốt thời gian tập ta không được suy nghĩ điều gì (điều nầy hơi khó) ngoại trừ nhẫm đếm số lần đánh tay. Đó là tâm bình. Còn khí tịnh là trong suốt thời gian tập ta thở bình thường, chứ không phải thở theo nhịp tay. Có một môn phái thở theo nhịp tay, nghe nói đó là phái Võ Đang. Nhưng theo cuốn sách tôi nói trên (phái Thiếu Lâm Tự) thì không thở theo nhịp tay. Hồi ở Hoàng Liên Sơn, tôi tập không thở theo nhịp tay, Thầy Thuần tập thở theo nhịp tay, cả hai chúng tôi đều đạt kết quả tốt.
Sau cùng tôi xin nói một vài kinh nghiệm trong khi tập:
Nếu đánh tay nhanh mà ta thấy bị tê ở mười đầu ngón tay thì đó là vì ta không gồng cứng (lên gân) hai chân đúng mức, nhíu hậu môn lại và thót lên, hoặc là vì ta đã để hở mười ngón tay (bàn tay năm ngón phải để dính với nhau, không được rời ra, điều này trong sách có vẽ hình rõ lắm).
Nếu lúc tập mà ta thấy đầu hơi nặng là vì cổ ta không thẳng, đầu không như dây treo, luồn điện thay vì đi xuống lại đi ngược lên đầu. Hồi ở Hoàng Liên Sơn, tối nào tôi cũng ra sân tập và đeo bao tay vì tời lạnh. Khi đánh tay được 1500 cái trở lên là tôi thấy ấm người, khỏi mang bao tay nữa, và mỗi cái đánh tay nghe như có hai luồn điện chạy xuống hai chân vậy. Bây giờ lớn tuổi, tôi chỉ tập nổi trên dưới 1000 cái đánh tay mỗi lần (900 cái trong 15 phút) mà thôi. Việc tập DCK rất cần cho hai chân. Khi yếu tôi phải tập mỗi ngày 2 lần để hai chân và bàn chân được tốt. Sau khi tập xong nên làm massage lòng bàn chân. Tối trước khi đi ngủ nên lấy dầu nóng hay dầu xanh thoa bóp lòng bàn chân, rất tốt cho sức khỏe, nhứt là với người lớn tuổi. Thoa dầu ở lòng bàn chân trị được bệnh ho.
Thêm vào đó, tôi phải cố gắng đi bộ. Trước kia cũng đoạn đường đó tôi đi 1/2 giờ, bây giờ đi gần một giờ. Nhưng đi được là tốt lắm. Trong tất cả các môn tôi đã tập (hồi còn ở VN tôi tập dưởng sinh trong vườn Tao Đàn) tôi nhận thấy môn Dịch Cân Kinh của Đạt Ma Tổ Sư là hữu hiệu hơn cả. Đối với người già môn này thật là cần thiết cho sức khỏe, vì tập DCK giúp rất nhiều cho hai chân.
Điều cần yếu là phải tin tưởng vửng chắc và kiên nhẩn tập đều đặn thì mới có kết quả tốt. Kính chúc quí vị được luôn mạnh khỏe và bình an.
Orange, May 2, 2010 |
Phất Thủ Liệu Pháp >