Thoáng Bình Yên Trong Cảnh Trí
Trong cuộc sống hiện tại do áp lực đòi hỏi trong công việc mưu sinh, cũng như những khó khăn trong đời sống gia đình (vợ chồng, con cái) hầu hết đã khiến cho đầu óc mọi người lúc nào cũng trở nên căng thẳng, đầy lo âu. Và nếu như không biết ứng phó, lâu ngày sẽ dần đi đến chứng bệnh trầm kha của xã hội: Stress hay trầm cảm
Để đối phó với stress, đã có biết bao phương pháp được khuyến khích thực hiện như đi du lịch, xem phim, đi dạo công viên, vui chơi tại bãi biển, chơi thể thao, tập luyện dưỡng sinh, tập thiền …tuỳ theo duyên thích hợp mà chọn lựa.
“Thoáng Bình Yên Trong Cảnh Trí” mà người viết trình bày dưới đây cũng là một trong những phương pháp mà người viết đã thực hiện, xem ra cũng có kết quả nên xin được chia sẻ cùng với quí độc giả. Phương pháp này đòi hỏi sự vận dụng của Ý- thức qua kinh nghiệm của các cảm thọ và những lưu ảnh trong tàng thức. Xin đừng lầm lẫn với những cảnh sắc hiện tượng của “Ngũ ấm ma” xảy ra đối với những người hành thiền trong phật giáo.
Cảnh tượng của “Ngũ ấm ma” tự động xuất hiện lúc hành giả hành thiền trong một giai đoạn nào đó và nếu không khéo tâm sẽ lạc vào ma cảnh. Điểm khác nhau ở chổ là một bên là “chủ động” và một bên là “bị động” trong tư tưởng.
1. Nhãn-Thức. Căn của nhãn-thức là mắt (thị giác) 2. Nhĩ-Thức. Căn của nhĩ-thức là tai (thính giác) 3. Tỷ-Thức. Căn của tỷ-thức là mũi (khứu giác) 4. Thiệt-Thức. Căn của thiệt-thức là lưỡi (vị giác) 5. Thân-Thức. Căn của thân-thức là thân bao gồm cả hệ thần kinh cảm giác (xúc giác) 6. Ý-Thức 7. Mạt-Na-Thức (Tiềm-Thức) 8. A-Lại-Da Thức (Tàng-Thức)
Năm thức đầu tiên cho ta sự hiểu biết qua cảm thọ của từng cơ quan do kết hợp với ý- thức. Nếu không có ý-thức thì sự hiểu biết của 5 thức trước chỉ thuần về cảm thọ, không có sự phán đoán, diễn đạt.
Thí dụ như người nhìn cảnh vật mà không có ý-thức trong đó thì giống như nhìn mà không nhìn, vì không có cái biết trong cái thấy nên không thể diễn tả được cảnh vật đang thấy như thế nào khi được hỏi đến. Cảnh sắc này sẽ mất đi trong phút chốc hoàn
toàn khác với cảnh sắc của một người để tâm (ý-thức) khi nhìn và được Mạt-Na-thức lưu trữ trong A-Lại-Da thức.
Ý- thức cho ta sự hiểu biết về sự cảm nhận ( cảm thọ) của ngũ quan ( nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) khi duyên với cảnh trần và có thể tổng hợp những hiểu biết đó để cho ta một kiến thức trọn vẹn hơn. Ngoài ra ý-thức có thể cảm thọ được những hiện tượng phi vật chất ngoài sự giới hạn của 5 giác quan. Chẳng hạn như ý-thức có thể tưởng tượng ra những cảnh vật, những thế giới mà chúng ta chưa bao giờ được biết đến trong hiện tại.
Giống như 5 thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân thức), “ý-thức cũng cần phải có một ý căn để hoạt động, tuy nhiên ý căn này hoàn toàn khác với 5 căn của ngũ quan, không là một căn vật lý có thể nhìn thấy mà là một căn tâm lý và căn này được mang tên là Mạt- Na- thức hay Tiềm-thức ( thức thứ 7)”.
Khả năng của Mạt-Na-thức là có thể truy cập tất cả những hình ảnh xa xưa cũng như những cảm thọ (cảm giác) được cất dấu tàng trữ trong A-Lại-Da thức hay tàng thức (thức thứ 8) cho ý-thức hồi tưởng lại. Không có Mạt-Na-thức thì ý-thức hoàn toàn không thể cảm biết được những hiện tượng trong thế giới nội tâm. Do đó Mạt-Na-thức được xem như là thức trung gian giữa Ý-thức (thức thứ 6) và A-Lại-Da- thức.
Mọi cảm nhận, kinh nghiệm hay hình ảnh do ý-thức thâu nhận sẽ được Mạt-Na-thức cất giữ ở một nơi gọi là A-Lại-Da- thức. Vì là Tàng thức nên nó cất giữ tất cả kể cả nghiệp quả (thiện ác) của con người vĩnh viễn suốt bao nhiêu triệu kiếp luân hồi cho đến khi giác ngộ thành Phật thì nó mới biến mất để trở thành “Đại-Viên Cảnh-Trí”
Sau khi mạng số lâm chung thì A-Lại-Da thức là thức cuối cùng tồn tại, sau khi 7 thức trước ngừng hoạt động, dưới dạng “Thân Trung Ấm” để chuẩn bị tái sinh vào cảnh giới tương ứng tuỳ theo nghiệp quả.
Đến đây, hy vọng độc giả đã có chút khái niệm về Ý- thức, Mạt -Na thức và A-Lại-Da- thức. Vì bài viết có tính cách giới hạn nên người viết chỉ có thể tóm lược, trình bày một cách tổng quát ngắn gọn, nếu như quí độc giả muốn tìm hiểu cặn kẽ thêm về ý nghĩa của 8 thức nêu trên có thể tìm đọc thêm về Duy-Thức học trên các trang mạng.
Trở lại đề tài chánh của bài viết là làm sao tìm được một “Thoáng Bình Yên Trong Cảnh Trí” qua sự vận dụng của Ý- thức? Bước đầu tiên của phương pháp là chúng ta phải tạo dựng một hình ảnh trong cảnh trí, hay nói một cách khác là tạo một hình ảnh trong tư tưởng mà chúng ta ưa thích để an trú trong đó. Chẳng hạn như phong cảnh của núi rừng, đồi núi hay biển cả…
Hình ảnh đó chúng ta có thể lấy ra từ trong A-Lại-Da thức hoặc do Ý- thức tưởng tượng tạo dựng. Chẳng hạn như nếu như ta thích cảnh chùa (hay một ngôi nhà thủy tạ) thì có thể tưởng tượng ra một ngôi chùa nơi phong cảnh mình ưa thích. Sau đó cố gắng tập trung ghi nhớ hình ảnh này trong tâm trí cho đến mỗi khi nghĩ đến thì hình ảnh đó xuất hiện như ý muốn. Tiếp theo là những hình tượng chính trong ngôi chùa, hoặc ta có thể nghĩ đến hình ảnh của chư Phật hoặc chư vị Bồ-tát mà mình đang thờ phượng thì hình ảnh đó cũng xuất hiện ra trước mắt (Phật tại tâm) khi an trú trong đó, hoặc cảnh vật trang trí…Do sự huân tập mỗi ngày dần dần cảnh chùa được hình thành rõ ràng trong cảnh trí. Và cuối cùng ta có thể an trú trong cảnh trí đó lâu hay mau tuỳ theo định lực của mỗi người. Một thí dụ khác, chúng ta thử tạo dựng cho mình hình ảnh của một thạch động hình bát giác nhô ra trên một vách núi cao, phía dưới bên phải là vùng biển mênh mông xanh biếc và bên dưới trước mặt cũng như bên trái là rừng cây tùng bách to lớn bao la. Trên nền thạch động cũng nên có một tấm bồ đoàn để an toạ thưởng thức cảnh vật chung quanh (đây là cảnh của người viết rất ưa thích).
Sau khi ghi nhớ được cảnh sắc đó trong tâm trí do huân tập thì mỗi khi mỏi mệt, chúng ta có thể quán tưởng mình đang an trú trong thạch động đó, trong một buổi sáng ban mai với bầu trời xanh mát. Và để tận hưởng phong cảnh chung quanh một cách trọn vẹn hơn nữa, chúng ta hãy sử dụng Mạt-Na-thức vào A-Lại-Da thức lấy thêm một số hình ảnh, âm thanh hay cảm giác (nóng, ấm, mát, lạnh) do sự thâu thập của các giác quan từ bao đời trong quá khứ hay hiện tại để phối hợp cho thêm phần thú vị. Chẳng hạn như muốn xem tuyết rơi hay hoa rơi thì chỉ cần chúng ta nghĩ đến thì cảnh tuyết rơi hay hoa rơi sẽ xuất hiện trước mắt. Nếu như chúng ta muốn có thêm những loài chim lạ đẹp xuất hiện bay quanh hay những loài cá muôn màu muôn sắc bơi lượn trong cảnh biển thì chỉ cần nghĩ đến chúng thì cảnh vật cũng sẽ xuất hiện trước mắt. Và để thử hình ảnh của loài rồng trong tàng thức của chúng ta như thế nào, chúng ta thử nghĩ đến nó xem sao? Và kế đến chúng ta cũng có thể quán tưởng đến hình ảnh của ta trong cảnh trí đó như thế nào? Chắc chắn sẽ là một sự ngạc nhiên đầy thú vị vì lúc đó sẽ không thấy được xác thân hiện tại mà chỉ là…xin tự khám phá lấy.
Tương tự như hình ảnh, chúng ta có thể nghĩ đến âm thanh (chim hót, sóng biển, tiếng mưa rơi) thì cũng sẽ có được âm thanh trong cảnh trí. Âm thanh ảo trong cảnh ảo!
Cùng với Mạt-Na thức và A-Lại-Da thức, Ý-thức có thể giúp chúng ta tạo ra bao cảnh tượng trong tư tưởng (cảnh trí) những kỳ quan, danh lam thắng cảnh đẹp tuyệt vời. Nương vào đó chúng ta có thể thực hiện những chuyến “du hành trong cảnh trí”, đi và đến trong một sát na, thật quá kỳ diệu phải không quý độc giả? Hoặc chúng ta có thể hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp, êm đềm trong quá khứ…Khoa Thôi Miên học cũng đã ứng dụng hình thức này để giúp bệnh nhân điều trị những chứng bệnh…
Đọc tới đây người viết tin rằng sẽ có một số độc giả sẽ phản bác cho rằng giáo lý của Phật giáo chú trọng về “Tánh Không”, dứt khoát không chấp hay dựa vào bất cứ hiện tượng của cảnh giới hay sắc tướng vì tất cả đều là giả tạm, không thật và sẽ tan biến. Thế thì tại sao còn đưa vào những hình ảnh ảo như đã trình
bày trên?
Để đối phó với stress bên Phật giáo có những phương pháp thiền rất hữu hiệu giúp cho hành giả an trú trong hơi thở, an trú trong hiện tại… Tuy nhiên, đối với đại chúng không phải ai ai cũng có cùng một kiến thức, một đức tin nên cũng chính vì đó mà tuỳ duyên tuỳ sở thích để chọn lựa cho mình một phương pháp thích hợp hoặc có tính cách tạm thời, và thử xem có đạt được kết quả hay không? Có thể xem đó như là một thú tiêu khiển của tinh thần không hơn không kém.
Tóm lại, phương pháp nêu trên có thể giúp cho chúng ta được chút ‘thư giản” những khi tinh thần hay thể xác cảm thấy quá căng thẳng và mệt mỏi, tuy nhiên cũng không nên quá dựa vào đó mà trở nên hoang tưởng, sống xa rời thực tế và bị vướng mắc trong ảo tưởng. Giống như thuốc an thần chỉ nên sử dụng khi thật sự cần đến mà thôi! Luôn cẩn thận, tự chủ và có trách nhiệm trong mọi ý nghĩ và nên sử dụng ý-thức một cách trong sáng và trong chánh đạo. Một ý tưởng xấu sẽ mang là một nghiệp quá xấu! Hy vọng quí độc giả sẽ hiểu được điều này. Đó là những gì mà người viết đã ứng dụng để giúp mình có được một thoáng bình yên trong cảnh trí, và hy vọng rằng với phương pháp này cũng sẽ giúp cho quí độc giả có được đôi phút thoải mái trong cuộc sống.
Tài liệu tham khảo: Duy Thức Học của Ngọc-Huệ- Chơn
Phương Chính Nguyễn Quang Đạt |
Vấn đáp & Tâm linh > Tâm Linh >